Tập trung triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh
Nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện và kịp thời nắm thông tin về khó khăn, vướng mắc để đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chương trình) năm 2022, chiều ngày 16/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị do đồng chí Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có các đồng chí thành viên Tổ Công tác về Chương trình và các đơn vị có liên quan.

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Phương Nam.
Năm 2022, Bạc Liêu được bố trí nguồn vốn thực hiện Chương trình là 27.436 triệu đồng; trong đó: vốn ngân sách Trung ương: 25.318 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 14.123 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 11.195 triệu đồng) và vốn đối ứng ngân sách địa phương (15%): 2.118 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển).
Tỉnh đang triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình gồm: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Tiểu dự án 1 của Dự án 3: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; Tiểu dự án 1, 2, 3 của Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc ngưòi DTTS, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; Tiểu dự án 2 của Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN và Tiểu dự án 1, 3 của Dự án 10.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phương Nam.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã triển khai tương đối đầy đủ về cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, thực hiện Chương trình; phân khai nguồn Trung ương, đối ứng vốn của địa phương và ban hành các Kế hoạch thực hiện, xác định cụ thể các chính sách được thực hiện trên địa bàn tỉnh theo quy định; một số cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện Dự án, tiểu dự án được Trung ương hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo nguồn vốn để thực hiện đã kịp thời giải ngân trên 90% nguồn vốn như Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; một số địa phương cũng đã từng bước giải ngân các dự án, tiểu dự án được giao phụ trách, sớm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo quy định, việc hỗ trợ cho người dân vay vốn tại Dự án 1 cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng.
Việc triển khai Chương trình trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ vì đây là một nhiệm vụ mới, chưa từng có tiền lệ trên cả nước, một số cơ quan Trung ương cũng còn lúng túng trong việc hướng dẫn, chưa đảm bảo đủ cơ chế, quy định để địa phương triển khai thực hiện hiệu quả nên việc giải ngân, thực hiện các dự án, tiểu dự án trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm trễ; Nhu cầu thực hiện chính sách khá lớn mà nguồn vốn được Trung ương phân bổ có hạn nên một số chính sách hỗ trợ như nhà ở, đất ở vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; nguồn vốn thực hiện Chương trình được phân bổ khá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân trong năm.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, Ban, ngành, các huyện, thị xã thành phố và các đơn vị có liên quan trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình và sớm giải ngân nguồn vốn của 02 năm 2022, 2023 trong năm 2023. Trong đó, giao Ban Dân tộc và Tôn giáo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ dự án thành phần và cơ quan liên quan: Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình; nhắc nhở, đôn đốc việc giải ngân nguồn vốn; tổng hợp, báo cáo định kỳ hằng tháng kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, đơn vị, địa phương; Rà soát các quy định, hướng dẫn của từng Bộ, Ngành Trung ương tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách, quản lý, điều hành để thực hiện các dự án, tiểu dự án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là đối với nguồn vốn hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 cần có đề xuất phương án cụ thể nhằm có cơ chế, chính sách mới để triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm tập trung triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân nguồn vốn được phân bổ của năm 2022 phải trên 90% và tính đến cuối năm, phải tiếp tục giải ngân nguồn vốn được phân bổ của năm 2023 đạt trên 90%. Đặc biệt lưu tâm tới các giải pháp lồng ghép nguốn vốn các dự án, tiểu dự án của Chương trình để thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.