Tặng 20 chiếc xe đạp và 100 suất quà cho đồng bào Khmer nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hồng Dân nhân Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023
Nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi, tạo điều kiện để “mọi người, mọi nhà” đều được đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân, đặc biệt là đồng bào Dân tộc thiểu số tham gia học tập thường xuyên, suốt đời để có được những năng lực, kỹ năng những phẩm chất mong muốn cần cho cuộc sống cũng như sự phát triển bền vững cho xã hội, góp phần triển khai có hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn tỉnh và phát động phong trào toàn xã hội tích cực tham gia mô hình “Công dân học tập” học thường xuyên, học suốt đời; tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập.

Ông Trần Hoàng Duyên, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh phát biểu tại Chương trình. Ảnh: Phương Nam.
Thực hiện Quyết định số 1838/QĐ-UBND ngày 01/11/2022 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ngày 07 tháng 4 năm 2023, tại huyện Hồng Dân, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hội Khuyến học tổ chức Chương trình trao học bổng cho học sinh, trao quà cho hội viên Hội Khuyến học là người dân tộc thiểu số nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023 của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Hồng Dân. Tham dự có đồng chí Trần Hoàng Duyên, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Bạc Liêu; đồng chí Lương Văn Pho, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND huyện Hồng Dân và hơn 120 đại biểu về dự.
Tại Chương trình, Ban Dân và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu và Hội Khuyến học tỉnh đã trao tặng 20 chiếc xe đạp cho 20 em học sinh người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn và 100 suất quà cho 100 hộ Khmer nghèo người dân tộc Khmer nghèo, mỗi suất quà gồm nhu yếu phẩm, 20 kg gạo, trị giá gần 600 ngàn đồng/suất.

Ông Trần Hoàng Duyên, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh (áo trắng thứ hai từ trái sang) và ông Lương Văn Pho, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo (áo sậm bên phải) trao xe đạp cho các em học sinh. Ảnh: Phương Nam.
Đây là những suất quà nghĩa tình nhằm động viên, khích lệ tinh thần các em học sinh, hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Hồng Dân, qua đó giúp các đối tượng này có quà để đón Tết cổ truyền của dân tộc vui tươi, đầm ấm; các em học sinh có tinh thần hiếu học, có thêm động lực trên hành trình học tập để trở thành công dân có ích cho xã hội, gia đình và bản thân sau này, bà con đồng bào tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Được biết đây cũng là một trong những chương trình nằm trong Kế hoạch triển khai Quyết định số 387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” và Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”;
Với mục tiêu chung thúc đẩy việc học tập suốt đời trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trên cơ sở hình thành mô hình “Công dân học tập”; khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.
Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đạt các mục tiêu: 100% cán bộ, hội viên Hội Khuyến học là người dân tộc thiểu số trong tỉnh được học tập quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập”; 40% người lớn là người dân tộc thiểu số trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 70% những người đạt danh hiệu “Công dân học tập” là người dân tộc thiểu số đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 60% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” trên môi trường số hóa.